Mâm ngũ quả là lễ vật quan trọng không thể thiếu trong ngày cúng khai trương. Theo văn hóa thờ cúng của người Việt Nam, việc trang trí mâm ngũ quả cúng khai trương không chỉ thể hiện lòng thành kính với Thổ địa tại đây mà còn mang ý nghĩa cầu mong may mắn và tài lộc cho công việc kinh doanh mới.
Trong bài viết sau đây, Phổ Nghi Hương sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách chọn trái cây trong mâm ngũ quả cúng khai trương, ý nghĩa của mâm ngũ quả trong lễ cúng khai trương chi tiết nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách soạn và bày trí mâm ngũ quả cúng khai trương cho 3 miền sao cho đẹp mắt và trang trọng nhất.
1. Mâm ngũ quả trong lễ cúng khai trương có ý nghĩa gì?
Mâm ngũ quả trong lễ cúng khai trương mang ý nghĩa sâu sắc trong việc kinh doanh. Đây là biểu tượng cho mong ước của chủ doanh nghiệp về sự khởi đầu thuận lợi, phát đạt. “Ngũ” trong mâm ngũ quả đại diện cho ngũ phúc lâm môn: Phúc (may mắn), Quý (giàu sang), Thọ (tuổi thọ), Khang (sức khỏe), và Ninh (bình an).
Ngoài ra, năm loại quả với màu sắc khác nhau cũng tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự cân bằng của đất trời mà còn đem lại sự hài hòa, giúp công việc làm ăn thêm thịnh vượng và thành công dài lâu.
2. Cúng khai trương thì nên chọn loại quả nào?
Mâm ngũ quả truyền thống cho lễ cúng khai trương thường gồm các loại trái cây như: chuối, phật thủ xanh, bưởi, thanh long đỏ và đu đủ vàng. Những loại quả này mang ý nghĩa về may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Việc chọn lựa trái cây cho ngày khai trương thể hiện sự kính trọng của gia chủ với Thổ Thần và các vị thần linh, đồng thời cầu mong công việc kinh doanh thuận lợi, phát tài.
Tuy nhiên, mỗi vùng miền có phong tục riêng. Vì vậy, ngoài các loại trái cây truyền thống, bạn có thể chọn những loại hoa quả phù hợp với văn hóa và sở thích gia đình để trang trí mâm ngũ quả. Dưới đây là ý nghĩa của một số loại trái cây phổ biến:
- Chuối: Tượng trưng cho sự sum vầy, bao bọc và che chở.
- Phật thủ: Hình dáng như bàn tay Phật, mang ý nghĩa cầu mong sự bình an, công việc thuận lợi.
- Mãng cầu: Mong cầu công việc suôn sẻ, bình an.
- Dừa: Biểu tượng cho sự sung túc, không thiếu thốn.
- Đu đủ: Mang lại sự đủ đầy, ấm no.
- Xoài: Cầu mong tài lộc, chi tiêu đủ xài.
- Sung: Biểu trưng cho sự sung túc trong cuộc sống và công việc.
- Dưa hấu: Với vỏ xanh, ruột đỏ, dưa hấu tượng trưng cho may mắn và thành công.
- Nho: Mọc thành chùm, trái nho mang ý nghĩa về tài lộc dồi dào.
- Táo: Quả đỏ tượng trưng cho sự phát tài.
- Thơm: Hình dáng giống rồng, tượng trưng cho sự thăng tiến trong sự nghiệp.
- Lựu: Mang lại sự sung túc, tiền tài dồi dào.
- Bưởi: Biểu tượng cho sự viên mãn, sung túc.
- Thanh long: Tượng trưng cho may mắn, phát tài.
- Hồng: Mang lại vạn sự như ý và thành công.
- Cam, quýt, chanh: Tượng trưng cho sự giàu có, tài lộc.
- Đào: Biểu tượng của sung túc, thu hút vượng khí tốt lành.
3. Gợi ý soạn mâm ngũ quả cúng khai trương theo 3 miền
Sau đây, Phổ Nghi Hương sẽ giới thiệu đến bạn đọc cách soạn mâm ngũ quả cúng khai trương truyền thống của 3 miền chi tiết nhất. Tuy nhiên, nội dung bên dưới chỉ để người đọc tham khảo, tùy vào sở thích cũng như mùa vụ trái cây tại địa phương mỗi người mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn loại trái cây phù hợp để trang trí mâm ngũ quả.
3.1 Mâm ngũ quả khai trương miền Bắc
Người miền Bắc thường lựa chọn các loại quả như chuối, đào, hồng, quýt và bưởi cho mâm ngũ quả cúng khai trương. Trong đó, chuối luôn xuất hiện vì nó tượng trưng cho sự chở che của đất trời, mong cầu cho công việc kinh doanh hồng phát, thành công rực rỡ.
Đặc biệt, người dân miền Bắc chú trọng đến sự phối màu theo ngũ hành: Kim (trắng), Mộc (xanh), Thủy (đen), Hỏa (đỏ) và Thổ (vàng). Sự hài hòa về màu sắc chứ không phải số lượng trái cây mới là điểm nhấn chính của mâm ngũ quả miền Bắc. Các loại quả được sắp xếp một cách tinh tế, mang đến vẻ đẹp mắt, đồng thời giữ được nét truyền thống và mang lại phúc lộc cho gia chủ.
3.2 Mâm ngũ quả khai trương miền Trung
Mâm ngũ quả khai trương miền Trung thường mang những nét tương đồng với miền Bắc, nhưng cũng có những đặc trưng riêng. Người miền Trung chuẩn bị mâm ngũ quả một cách tỉ mỉ, với các loại trái cây như chuối tiêu, chuối sứ, thanh long, đu đủ, dừa và xoài.
Ngoài ra, mâm cúng có thể được bổ sung thêm các loại quả khác như mãng cầu, na, vú sữa, và dưa hấu, tạo nên sự đa dạng và phong phú. Mỗi loại trái cây đều mang một ý nghĩa tốt đẹp, biểu trưng cho sự thuận buồm xuôi gió, tài lộc và thành công. Người miền Trung luôn mong mâm ngũ quả này sẽ đem lại một khởi đầu viên mãn trong việc kinh doanh.
3.3 Mâm ngũ quả khai trương miền Nam
Mâm ngũ quả khai trương của người miền Nam thường gồm các loại: dừa, sung, mãng cầu, đu đủ và xoài, mang ý nghĩa “Cầu dừa đủ xài sung” – tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc và phát đạt. Ở một số khu vực, người ta còn mua thêm cặp dưa hấu với vỏ xanh, ruột đỏ để cầu mong năm mới may mắn và thịnh vượng cho công ty.
Khác biệt với văn hóa ở miền Bắc và Trung, người miền Nam kiêng kỵ đặt chuối lên mâm ngũ quả do âm đọc của từ “chuối” gợi cảm giác đi xuống, không may mắn. Các loại quả như cam, chanh, quýt cũng không được ưa chuộng vì câu nói “Quýt làm cam chịu”, biểu trưng cho sự không thuận lợi trong làm ăn.
Tuy vậy, đây chỉ là quan niệm truyền thống. Ngày nay, một số gia đình miền Nam vẫn sử dụng cam và quýt trên mâm ngũ quả, với ý nghĩa tốt đẹp hơn, nhằm mang đến sự thịnh vượng và tài lộc.
4. Hướng dẫn bày trí mâm ngũ quả cúng khai trương sao cho đẹp mắt
Theo quan niệm phong thủy, mâm ngũ quả nên được sắp xếp theo dạng hình chóp, tam giác hoặc ngọn tháp. Trái cây lớn, nặng và xanh được đặt ở dưới cùng, trong khi những quả nhỏ, chín được bày ở phía trên để tạo sự cân đối và hài hòa về màu sắc. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:
- Rửa sạch và để ráo nước các loại trái cây sau khi mua về.
- Chuẩn bị một cái mâm, khay hoặc đĩa lớn để bày trí.
- Đối với mâm cúng có chuối: Đặt nải chuối xanh ở dưới cùng như một bàn tay nâng đỡ. Tiếp đến, đặt quả bưởi hoặc phật thủ ở giữa. Xếp các loại quả khác như thanh long, cam, táo xen kẽ sao cho màu sắc hài hòa.
- Đối với mâm không có chuối: Bày các loại trái cây to như dừa, đu đủ hoặc xoài ở dưới cùng. Sau đó, đặt các quả nhỏ như lê, mãng cầu, thanh long lên trên để tạo hình giống ngọn tháp.
- Sau khi sắp xếp xong, kiểm tra lại để đảm bảo các loại quả đầy đủ, màu sắc hài hòa và mâm ngũ quả cân đối.
5. Cần lưu ý những gì khi bày trí mâm ngũ quả cúng khai trương
Để mâm ngũ quả cúng khai trương được hoàn hảo, bạn cần lưu ý ba điểm quan trọng sau theo quan niệm dân gian:
- Không chọn trái cây còn xanh: Các vị thần sẽ không thể thưởng thức trái cây chưa chín. Hãy chọn những quả chín đều, tươi sáng để mâm ngũ quả đẹp mắt và mang đến năng lượng dương, thu hút tài lộc và may mắn.
- Tránh trái cây quá chín: Trái cây quá chín dễ bị dập nát, chảy nước và làm ảnh hưởng đến những loại khác. Hơn nữa, mùi thơm mạnh của trái cây chín quá có thể thu hút côn trùng, gây mất vệ sinh.
- Không dùng trái cây giả: Trái cây giả thể hiện sự thiếu tôn trọng trong ngày lễ. Hãy chọn hoa quả tươi, rực rỡ màu sắc để tăng sự may mắn và thịnh vượng cho buổi khai trương.
Tìm hiểu thêm chi tiết cách cúng khai trương đầu năm để làm ăn phát đạt
Qua bài viết trên, Phổ Nghi Hương đã chia sẻ đến bạn đọc ý nghĩa của việc trang trí mâm ngũ quả cúng khai trương, ý nghĩa của các loại quả trái cây cũng như gợi ý cách soạn mâm ngũ quả cúng khai trương cho 3 miền chi tiết nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng dẫn bạn đọc cách bày trí mâm ngũ quả cúng khai trương sao cho đẹp mắt và một số lưu ý quan trọng cần tránh khi trang trí. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn có được ngày lễ cúng khai trương suôn sẻ, mong cầu may mắn, thuận lợi cho công việc kinh doanh.
- Văn phòng đại diện: 125 đường số 30, Khu dân cư An Phú Hưng, Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
- Hotline: 0859.50.50.50
- Email: phonghihuong2014@gmail.com
- Website: phonghihuong.com
- Facebook: Phổ Nghi Hương
- Instagram: Phổ Nghi Hương
- Shopee: Phổ Nghi Hương Official
- Danh sách đại lý Phổ Nghi Hương toàn quốc: Xem tại đây